1. ĐỪNG NHẦM LẪN THỰC PHẨM HỮU CƠ VỚI THỰC PHẨM SẠCH
Hiện nay, ra chợ, vào siêu thị ở Việt Nam, người ta thấy khắp nơi có thực phẩm được gọi là hữu cơ. Một cửa hàng nhỏ trên đường, thậm chí người bán hàng ngoài vỉa hè trên những tấm phản cũng có thể vô tư giới thiệu “rau hữu cơ đấy”. Đơn giản không phun thuốc sâu, không hóa chất tăng trưởng nên chúng được cho là hữu cơ. Đây là một sự nhầm lẫn cố tình và cả vô tình vì hiểu sai.
Thực phẩm sạch là thực phẩm thu được từ nguồn nuôi trồng, vẫn sử dụng các “đầu vào” là hóa chất như thuốc trừ sâu, chất hóa học tổng hợp… Nhưng cách sử dụng hóa chất được thực hiện đúng quy trình để sản phẩm ra thị trường chỉ còn dư lượng độc hại dưới mức cho phép, không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Cũng vì thế chúng được gọi là sản phẩm “an toàn”.
Còn thực phẩm hữu cơ phải thu từ nguồn sản xuất không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Sản xuất thực phẩm hữu cơ đòi hỏi thực hiện trong một hệ sinh thái đảm bảo, không được gần các nhà máy công nghiệp, không gần quốc lộ, tại vùng đất nền và nguồn nước có dư lượng kim loại và các chất độc tự nhiên thấp. Nguồn nước tưới và chăn nuôi phải là nước giếng sạch, không phải nước sông. Cấm dùng công nghệ biến đổi gene và kể cả công nghệ nano…
Hiện nay, ở Việt Nam, Dự án “Phát triển khung sản xuất và thị trường cho nông nghiệp hữu cơ” (ADDA) là dự án duy nhất chuyên tập trung về phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuẩn quốc tế. Vì tiêu chuẩn chất lượng sản xuất khắt khe nên nhiều nhóm sản xuất trong dự án đã bị “vỡ” vì nông dân không thể tuân thủ. Thế nên tại Việt Nam lượng thực phẩm hữu cơ chưa thể dồi dào như người ta đang lầm tưởng.
2. THỰC PHẨM HỮU CƠ KHÔNG CHỈ CÓ RAU CỦ
Nông nghiệp hữu cơ là nền nông nghiệp tạo ra tất cả các sản phẩm đều có nguồn “đầu vào” hữu cơ. Nghĩa là các thực phẩm này có cả động vật, rau quả, trứng, sữa…
Trên thế giới, các sản phẩm hữu cơ rất đa dạng từ sữa, thịt, trứng, cá… đến các sản phẩm đã chế biến. Còn ở nước ta, dự án ADDA mới cho ra đời rau và bưởi hữu cơ, còn các sản phẩm thịt gà, lợn đang trong giai đoạn thử nghiệm nên chưa được gọi là thịt hữu cơ.
Thị trường nội địa chưa sản xuất được các sản phẩm chế biến hữu cơ như sữa công thức hữu cơ, bánh mì hữu cơ… Chính vì thế nhiều người lầm tưởng “thực phẩm hữu cơ” là cụm từ dành riêng cho sản phẩm thực vật.
3. CÓ SÂU TRONG RAU CHỨNG TỎ CHÚNG ĐƯỢC SẢN XUẤT HỮU CƠ?
Rau có sâu chứng tỏ không phun thuốc là một quan niệm sai lầm tai hại của nhiều người. Chẳng ít nhà sản xuất tự hào chụp ảnh sâu, cho người tham quan bắt sâu để minh chứng sản phẩm của mình sạch (theo nghĩa không hóa chất). Thực chất, sản phẩm hữu cơ phải được đánh giá dựa vào cảm quan, màu sắc, tiêu chuẩn kỹ thuật, có hệ tiêu chuẩn để chứng nhận.
Trong quy trình sản xuất hữu cơ, sâu cũng phải được chú trọng tiêu diệt, chỉ có điều chúng không bị “khử” bằng hóa chất mà bằng các loại thuốc tự nhiên (dùng tỏi, sả…). Những loại rau có sâu có thể do sâu không chết vì nó đã kháng thuốc hoặc do thuốc trừ sâu được nông dân sử dụng không đúng lúc, đúng cách.
Ngoài ra trên thị trường trôi nổi, sản phẩm có sâu đôi khi còn là sự đánh lừa của người sản xuất và phân phối, họ bắt sâu bỏ lên chính sản phẩm của mình.
4. THỰC PHẨM HỮU CƠ NGON, BỔ HƠN THỰC PHẨM SẠCH VÀ THỰC PHẨM THƯỜNG?
Các sản phẩm hữu cơ được nuôi trồng tự nhiên trong một hệ sinh thái cân bằng và ổn định, nên thời gian sinh trưởng thường kéo dài hơn thông thường. Chúng đồng hóa và tích lũy dinh dưỡng tốt do không bị “cưỡng ép” bằng các chất kích thích tăng trưởng và phân bón hóa học. Vì vậy theo phản ánh của nhiều người thì chúng ngon hơn.
Tuy nhiên, sản xuất hữu cơ cho năng suất thấp hơn, mẫu mã lại không bắt mắt, giá thành cao nên thực phẩm hữu cơ vẫn còn chưa phổ biến ở Việt Nam cả về sản xuất lẫn tiêu dùng.